in

Isekai có phải là một thể loại và SAO có được xếp vào Isekai không?

Gần đây, cộng đồng fan M/A trong nước cũng như quốc tế nổi lên một chủ đề gây tranh cãi: Isekai có được coi là một thể loại không?

Đầu tiên, mình xin khẳng định trước nay Isekai chưa từng xuất hiện ở bất cứ đâu trong vai trò một thể loại tiểu thuyết, truyện tranh, phim,… Khái niệm này chỉ mới bắt đầu được sử dụng trong vài năm gần đây để chỉ các tác phẩm mang xu hướng thoát ly thực tại, viết về việc con người của thế giới này đến một thế giới khác. Nhưng ngược dòng lại lịch sử, các thể loại (genre) mà hiện nay chúng ta coi là chính thống ra đời là do đâu? Đó đều là do nhu cầu của khán giả, độc giả, các nhà sản xuất, fan hâm mộ từng chính là những người tạo ra sự phân loại tiểu thuyết, phim, truyện tranh,…. Do sở thích của mỗi người là khác nhau cho nên sự phân loại này ra đời để các nhà sản xuất dễ dàng tạo ra những tác phẩm hướng đến một loại khán giả, còn khán giả dễ dàng tìm được bộ phim mình muốn xem. Như vậy, Isekai đúng là xưa nay không phải một thể loại, nhưng không có nghĩa trong tương lai nó không được xét để trở thành một thể loại riêng. Việc Isekai có trở thành thể loại riêng hay không, người quyết định chính là khán giả chúng ta, có cung ắt sẽ có cầu.

Isekai có nghĩa là gì? 異世界 (いせかい) đơn thuần mang nghĩa “thế giới khác”,  Isekai đơn giản là những câu chuyện về một thế giới khác theo góc nhìn của nhân vật chính. Đây hoàn toàn không phải thể loại xuyên không, trọng sinh quen thuộc trong tiểu thuyết mà nhiều người lầm tưởng, vậy nên, bản chất của các câu chuyện isekai chỉ là một người thế giới này bằng cách nào đó đến một thế giới khác. Cái thế giới khác này có phải thế giới khác hay không lại tùy thuộc vào góc nhìn của nhân vật chính. Vậy thế giới trong game có được coi là một thế giới khác hay không? Theo mình, có thể có và có khi không, điều đó phụ thuộc vào một số yếu tố mình sẽ bàn luận kỹ hơn ở phần tiếp theo.

Vì Isekai chưa phải là một thể loại theo đúng nghĩa, chúng ta hãy chỉ coi Isekai là một topic nho nhỏ trong cộng đồng fan, và các anime mình bàn tới mới chỉ là các anime có yếu tố Isekai. Giờ chúng ta sẽ bàn luận về anime SAO có được xếp vào Isekai hay không? Nếu nhân vật chính trong phim không chỉ ở một thế giới mà có thể thoát ra về thế giới thực bất cứ lúc nào thì theo mình đó không phải Isekai, Isekai phải hoàn toàn là một thế giới khác đúng như ý nghĩa của nó. Ở SAO phần 1, tất cả người chơi đều mắc kẹt trong thế giới game Sword Art Online, tính mạng bị đe dọa và phải chiến đấu để tìm đường trở về, đến khi Kirito giành chiến thắng và đưa những người chơi còn sống sót trở về thế giới thực thì anime cũng kết thúc. Đối với Kirito, thế giới trong game lúc đó không chỉ là một khối mã lập trình, mà là cả sinh mạng cậu và những người bạn bè của cậu. Vậy nên, theo mình SAO phần 1 là Isekai, cũng như vậy, Log Horizon, Overlord, No Game No Life… và các anime game mà nhân vật chính mắc kẹt hoàn toàn trong thế giới ảo được coi là Isekai. Ngược lại, Accel World, SAO phần 2 – Alfheim Online và Gun Gale Online không phải Isekai, do ở đây, các nhân vật có thể vào trong game và trở về đời thực bất cứ lúc nào, đối với họ, thế giới game ở đây đúng chỉ là một khối mã lập trình. Còn SAO arc Underworld thì là Isekai rồi không phải bàn cãi.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng Isekai và Fantasy (Viễn tưởng) là một? Theo mình, Isekai nên trở thành một thể loại riêng, bởi nó không hề giống với bất kỳ thể loại nào đã có, Isekai và Fantasy có khác nhau mặc dù trong anime fantasy thường hay có yếu tố isekai. Fantasy là một thể loại chính thống lâu đời trong tất cả các lĩnh vực phim, tiểu thuyết, truyện tranh,… Xét trong manga/anime, các tác phẩm gắn mác fantasy cũng rất đa dạng, giờ thử xét một số anime fantasy như Fairy Tail, Bersesk, Fullmetal Alchemist, Blue Exorcist,… Đó đâu phải Isekai? Ngược lại, như anime Hataraku Maou Sama! có nội dung khá đời thường và hài hước về một Ma Vương thua trận trốn đến thế giới con người chờ phục thù, dù yếu tố viễn tưởng trong anime rất ít ỏi, thậm chí còn không đủ để cho anime này được xếp vào fantasy, nhưng lại đủ điều kiện xếp vào isekai.

Với số lượng manga, anime, light novel lớn như hiện giờ, mặc dù isekai chưa được các nhà sản xuất, phân phối M/A/LN công nhận, nhưng trong cộng đồng fan đã có sự ngầm hiểu đây là một thể loại mới, có rất nhiều bài đề cử anime isekai, nhiều cuộc thảo luận về manga isekai nào đáng đọc,… Thậm chí, có hơi tiêu cực nhưng Kodansha và Kadokawa đã phải cấm Isekai khỏi danh sách tác phẩm tham gia cuộc thi viết truyện ngắn vừa tổ chức tại Nhật Bản. Điều đó cho thấy sự phát triển hơi quá vượt mức của thế loại này, có lẽ trong tương lai, Isekai sẽ sớm được công nhận là một thể loại M/A. Dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng Isekai đang dần bão hòa và nhạt đi, số lượng thì quá nhiều trong khi chất lượng chẳng được bao nhiêu, khiến nhiều khán giả dần có thành kiến với thể loại này. Chặng đường khẳng định mình của các tác phẩm Isekai trong cộng đồng M/A có lẽ sẽ còn rất nhiều gian nan.

Bài viết là ý kiến cá nhân của Ivy thuộc Team Manganetworks, còn các bạn thì sao?

What do you think?

Đạo diễn Konosuke Uda trả lời ý kiến cho rằng Kimi no na wa đạo ý tưởng

ICv2 tiết lộ Top 10 Manga có nhượng quyền thương mại cao nhất ở Mỹ