Ngày nay, Light novel là một trong những nguồn phổ biến nhất trong việc chuyển thể anime. Mặc dù light novel đã là nền tảng của anime từ rất lâu rồi (nghĩ về một vài tựa như Slayer hay The record of lodoss war), nhưng chỉ khoảng từ thập kỷ trước light novels mới trở thành một “đế chế”. Sự phát triển của những anime được chuyển thể theo light novel phản ánh một xu hướng chung đó chính là việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này thông qua các phương tiện đa truyền thông. Đây được gọi là chiến lược “ kết hợp truyền thông,” và hiểu về nó là một nhu cầu cần thiết để có thể nắm rõ hơn khía cạch thương mại của anime.
Đây không hẳn là một bài viết mang đầy đủ khía cạnh và cái nhìn toàn diện về nền công nghiệp light novel của Nhật Bản nhưng mong nó sẽ giúp các bạn có cái nhìn chung nhất về nguồn gốc của light novel, ai sáng tạo nó, ai xuất bản nó và làm thế nào mà anime có thể sử dụng nó vào chiến lược kinh doanh của mình.
Đâu là sự khác biệt giữa light novel và những quyển tiểu thuyết (Novel) thông thường?
Sẽ rất cần thiết để chỉ ra những quan niệm sai lầm về light novel ngay từ ban đầu. Thế nhưng định nghĩa về light novel thì lại vô cùng phức tạp, thậm chí đến cả nhiều đọc giả người Nhật khi được hỏi câu hỏi này phải cũng gãi đầu lúng túng.
Một só đặc điểm nổi bật nhất để phân biệt được light novel đó là: thứ nhất, light novel khá ngắn (thường thì chỉ khoảng 300 trang cho 1 volume); thứ hai: trong light novel có hình minh họa kiểu manga. Mặc dù vậy, có rất nhiều tiểu thuyết thông thường cũng có minh họa theo kiểu manga và đôi khi cũng có những light novel lại không có minh họa gì hết. Ngoài ra, một vài light novel lại hoàn toàn bị giới hạn về kích cỡ cũng như độ dày (ví dụ như Horizon in the Middle of Nowhere). Thế nên khi đọc light novel, bạn sẽ nhận thấy rằng luôn có những ngoại lệ đối với từng quy tắc.
Vậy thì làm thế nào để biết khi nào quyển tiểu thuyết bạn đang cầm trển tay là một light novel? Một điều có thể lấy để làm cơ sở cho việc xác định đó là “nhãn hiệu” của quyển sách, trong đó tất cả đều được đóng dấu và đều thuộc sở hữu của các nhà xuất bản lớn. Kadokawa và Kodansha đa số xuất bản ra những quyển tiểu thuyết có tất cả những đặc điểm trên, ngoài ra họ còn sở hữu một số lượng các nhãn hiệu light novel khác, thường hướng tời những sở thích và gu thưởng thức khác nhau. Ví dụ, MF Bunko J nổi tiếng với thể loại harem lãng mạn hài hước, còn tựa Kadokawa Beans Bunko lại nhắm đến đối tượng độc giả là nữ – cả 2 cái nhãn hiệu này đều thuộc quyền sở hữu của Kadokawa.
Nói cách khác, light novel được định nghĩa phần nhiều không phải về văn phong đặc trưng hoặc thể loại riêng mà bằng cách xây dựng thương hiệu và tiếp thị của họ. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi nhìn lại quá khứ của chúng. Cụm từ “light novel” được tạo ra bởi Keita Kamikita vào khoảng 1990. Keita Kamikita là nhà điều hành hệ thống của diễn đàn sci-fi và fantasty online; ông thấy rằng tiểu thuyết sci-fi và fantasty đã xuất hiện từ những năm 1980 bởi những nhà xuất bản lớn cũng đã thu hút nhiều fan manga cũng như fan anime vì chúng được minh họa bởi các họa sĩ manga nổi tiếng. Ông ý thức tránh sử dụng những cụm từ “vị thành niên” vì những tác phẩm này không phải dành cho riêng một đối tượng cụ thể nào. Đối với ông, light novel không đơn thuần chỉ là một thể loại tiểu thuyết hư cấu, mà chúng còn là sản phẩm của một chiến lược “kết hợp truyến thông.”
Chiến lược kết hợp truyền thông
Light novel không thể tồn tại độc lập. Việc bỏ qua tất cả manga, anime, game, và hàng đống những sản phẩm truyền thông gắn liền với chúng là bất khả thi. Công ty Kadokawa Shoten có thể gọi là thành công nhất trong chiến lược quảng bá light novel. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu như nói rằng họ là người sáng tạo ra chiến lược kết hợp truyền thông hiện đại ngày nay (như một số tài liệu lịch sử khẳng định), họ đơn giản chỉ là những người tiêng phong trong lĩnh vực này kể từ những ngày đầu.
Kadokawa lần đầu thành lập bởi Genyoshi Kadokawa vào năm 1945. Dưới sự chỉ đạo của ông, các nhà xuất bản đã phát triển danh tiếng cho những quyển sách bìa mềm với nội dung văn học có tính văn hóa và tri thức cao. Mọi thứ đã dần dần thay đổi, tuy nhiên, khi Genyoshi mất vào 1975 và con ông là Haruki nắm quyền điều hành. Haruki thiết kế lại phong cách bìa mềm sao cho giống với phong cách của Mỹ – nói theo một cách khác là thay đổi đi đặc điểm cơ bản nhất của văn học thời đó. Ban đầu, ông tiến hành điều này bằng cách xuất bản những quyển tiểu thuyết của Mĩ đã được phiên dịch, và họ rất thông minh trong việc tận dụng sự nổi tiếng của các phiên bản phim được chuyển thể theo để thực hiện việc quảng bá, tuy nhiên công ty nhanh chóng mở rộng trong việc chuyển thể chính những tác phẩm tiểu thuyết của họ trở thành những phiên bản điện ảnh. Mục đích là sử dụng điện ảnh để quảng cáo cho tiểu thuyết và ngược lại.
Những light novel hiện nay cũng đi theo nguyên tắc tương tự. Một bộ light novel thường bán chạy hơn sau khi anime chuyển thể từ light novel đó được phát sóng, điều này tạo thành động cơ thúc đẩy cho các nhà xuất bản đầu tư chi phí trong khâu sản xuất anime, kể cả trong trường hợp doanh thu từ nó không thể “hoàn vốn” cho những khoản đầu tư ban đầu. Ví dụ, Is It Wrong to Try to Pick Up Girls in a Dungeon? – bộ light novel (được xuất bản bởi SB Creative , chi nhánh xuất bản của SoftBank ) đã bán được hơn một triệu bản in trong năm 2015, điều này dễ dàng chứng minh cho việc đầu tư vào anime. Trong một nền công nghiệp mà số bản in tiểu thuyết bán ra đi đôi với doanh thu của phiên bản đĩa phim chuyển thể, thì chiến lược kết hợp truyền thông hoạt động như một “phao cứu sinh” cho các nhà xuất bản.
Ai là người viết light novel?
Light novel có tiếng (hoặc có thể không) do việc được sản xuất hàng loạt hay ngược lại là bị tạm dừng sản xuất. Các tác giả giống là những thực thể vô danh, viết ra quyển sách này đến quyển sách khác để có thể đáp ứng được “cỗ máy” của ngành công nghiệp này. Và đã có những tác giả làm điều này một cách không thể tưởng tương nổi. Kazuma Kamachi , tác giả của A Certain Magical Index , đã xuất bản trung bình một cuốn tiểu thuyết/một tháng trong vòng 24 tháng! Quả thật là một sự cống hiến to lớn, ít nhất là như vậy.
Với lịch trình căng thẳng để xuất bản một cuốn light novel, không phải là điều bất ngờ khi các nhà văn viết thể loại này thường có sự nghiệp viết lách ngắn ngủi. Có những nhà văn gặp may mắn khi light novel của mình trở thành hit, gây sốt và bán chạy, nhưng họ không thể có cuộc sống ổn định qua việc chỉ ngồi viết light novel.
Do tỷ lệ trong việc “thay máu” các nhà văn là rất lớn, ngành công nghiệp light novel chủ động khuyến khích sự tham gia của các tác giả mới bằng hình thức tổ chức các cuộc thi về light novel. Giải Tiểu thuyết Dengeki, được thành lập vào năm 1994, đã dễ dàng trở thành cuộc thi nổi tiếng nhất về light novel. Cuộc thi được tổ chức bởi ASCII Media Works, thuộc quyền sở hữu của Kadokawa. Hằng năm ban tổ chức nhận được hàng ngàn bản thảo và thúc đẩy sự nghiệp của rất nhiều tác giả nổi tiếng, bao gồm cả Reki Kawahara, tác giả Sword Art Online tiếng tăm.
Việc các thương hiệu light novel xuất bản các web novel dưới dạng bản in đang ngày càng trở nên phổ biến. Web novel là những tác phẩm không chuyên được công bố online, và trong khi những tác phẩm này có thể không được đánh giá cao do lối viết chủ quan và cẩu thả của tác giả, tuy nhiên họ được hưởng lợi từ số lượng người đọc trên web và số lượng lớn bản thảo thích hợp cho việc xuất bản thường xuyên. Phiên bản light novel thường được biên tập cẩn thận và có thể thay đổi cốt truyện, điều này khuyến khích người đọc web novel mua bản in. Nó khiến cho đôi bên cùng có lợi. Vài ví dụ điển hình cho các web novel chuyển thể thành light novel và sau đó thành anime có thể kể đến The irregular at magic high school ,Log Horizon, và Re:Zero.
Tóm lại, sự hỗ trợ từ phía độc giả là một nhân tố quan trọng trong chiến lược truyền thông .Trong khi những tác giả nổi tiếng, có uy tín kéo về những con số doanh thu rất ổn định, thì sự thay máu gần như ngay lập tức trong ngành công nghiệp này chính là thứ giữ cho guồng quay xuất bản dày đặc được duy trì. Dù đã trở nên vô cùng nổi tiếng, người ta vẫn cho rằng light novel và những anime chuyển thể từ nó được tạo ra bởi fan và vì fan.
Thách thức tượng đài Kadokawa
Kadokawa vẫn tiếp tục trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp light novel hiện nay. Trong năm 2011, tập đoàn này sở hữu đến 48% thị trường light novel! Sau khi Kadokawa tiếp nhận Media Factory thành công ty con vào năm 2013, thì doanh thu của thể loại light novel hướng đến đối tượng nam giới ngày càng chuyển biến tích cực. Sự thật là Kadokawa hay là những công ty khác thuộc quyền sở hữu của họ chính là những người quyết định trong việc sản xuất những cuốn light novel trên tay của các bạn.
Tuy nhiên không chỉ có mỗi Kadokawa tìm thấy thành công trong ngành công nghiệp này. Ví dụ như một vài những cái tên đáng chú ý trong năm ngoái đều được xuất bản bởi nhãn hiệu JUMP j-books của công ty xuất bản Shueisha. Họ còn xuất bản những tiểu thuyết tiếp nối cho những manga nổi tiếng của Shonen Jump như Naruto, Haikyuu!!, và Kuroko’s Basketball. Những nhãn hiệu có tiếng không đến từ Kadokawa khác như GA Bunko (SoftBank), Kodansha Ranobe Bunko (Kodansha), GAGAGA Bunko (Shogakukan), và Daria Bunko (Frontier Works, Inc.).
Một số những công ty sản xuất anime cũng đang dần nhúng tay vào lĩnh vực xuất bản light novel. Ví dụ như nhãn hiệu KA Esuma Bunko trong vai trò đóng góp ý kiến cho cuộc thi light novel hằng năm của Kyoto Animation. Với việc mở ra nhãn hiệu light novel cho riêng mình đã khiến cho Kyoto Animation tự chủ hơn trong việc kiểm soát tài chính của họ. Bên cạnh đó cũng có Sunrise mới đây vừa sở hữu nhãn hiệu light novel cho riêng mình – Yatate Bunko.
Không ai có thể dự đoán được tương lai, tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng: light novel hiện đang trong thời kì hưng thịnh của nó. Trong môi trường truyền thông hiện nay, light novel và anime giống như đôi bạn cùng tiến vậy, khó có thể tách rời nhau. Chúng ta hãy cùng xem liệu các loại hình truyền thông trên sẽ có những bước phát triển như thế nào khi mà những nền công nghiệp đang dần trở nên phụ thuộc vào nhau.