Những năm gần đây ngành công nghiệp Anime Nhật Bản tăng trưởng liên tục tại thị trường nước ngoài còn thị trường nội địa thay đổi không đáng kể.
Hiệp hội Hoạt hình Nhật Bản (AJA) đã công bố bảng tóm tắt Tiếng Anh về “Báo cáo ngành công nghiệp Anime 2017” vào tháng trước. Báo cáo này xem xét các xu hướng của ngành từ năm 2016. Như chúng ta đã biết, ttổng giá trị thị trường ngành công nghiệp Anime trong năm 2016 là 2.000 tỷ Yên (khoảng 17,5 tỷ Đô la Mỹ) tăng khoảng 9% so với 1,83 nghìn tỷ Yên năm 2015. Điều này tiếp tục xu hướng phát triển của ngành công nghiệp Anime; tổng giá trị thị trường trong năm 2014 đã tăng 10% so năm 2013, và vào năm 2015 đã tăng 12% so với năm 2014.
Tuy nhiên, theo báo cáo này, “ngành công nghiệp cảm giác không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất ít” bởi vì sự tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Báo cáo tiết lộ rằng, thị trường nội địa đang lâm vào cảnh trì trệ bởi nó chỉ tăng 3,8% so với năm 2013, nguyên nhân gây nên sự trì trệ này là do “sự chuyển đổi không thành công” từ việc phát sóng truyền hình sang việc phát sóng trực tuyến trên Internet và các sự kiện. Trong khi đó, thị trường nước ngoài đã tăng 171,9% so với năm 2013 – giá trị của thị trường nước ngoài chỉ đạt 282,3 tỷ yên (khoảng 2,631 tỷ USD) trong năm 2013 sau đó tăng lên 767,6 tỷ yên (khoảng 7,154 tỷ USD) trong năm 2016.
Báo cáo nhấn mạnh vào thị trường Trung Quốc, bởi Trung Quốc là quốc gia có nhiều hợp đồng nhất với ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản. Ngoài việc mua bản quyền phát sóng trực tuyến cho anime Nhật Bản, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư vào các xưởng sản xuất hoạt hình Nhật Bản trong năm 2016 và đã tự gia công các dự án IP của riêng mình cho các xưởng phim Nhật Bản. Doanh số ở nước ngoài tăng trưởng chóng mặt trong năm 2015 sau khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm ba năm đối với các chương trình của Nhật Bản.
Sau Trung Quốc, các nước có nhiều hợp đồng nhất, theo thứ tự gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ (biểu đồ trên). Hoa Kỳ trước đó đứng đầu danh sách cho đến năm 2015.